Hệ miễn dịch rất quan trọng với sự phát triển của con, là rào chắn giúp cơ thể con tránh bị vi khuẩn có hại xâm nhập. Có rất nhiều cách để tăng cường hệ miễn dịch cho connhưng một chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp là điều cha mẹ cần đặc biệt chú ý.
1. Trong 6 tháng đầu:
Sữa mẹ cung cấp các dưỡng chất cơ bản cho sự phát triển của trẻ và đặc biệt chứa các kháng thể, vi khuẩn có lợi, giúp tăng cường hệ miễn dịch của con. Do đó, cách duy nhất để con khỏe mạnh, ít bị các bệnh nhiễm trùng đường ruột là cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và người mẹ cần ăn đủ 4 nhóm chất để, giữ tinh thần thoải mái để duy trì nguồn sữa và chất lượng sữa.
Nhiều bà mẹ có tâm lý cần phải cho con tập ăn sữa ngoài để làm quen. Điều này là không cần thiết và không có lợi cho sức đề kháng của trẻ.
2. Từ 6 tháng đến 3 tuổi:
Khi con bước vào giai đoạn ăn dặm, hệ vi khuẩn đường ruột của con dễ bị mất cân bằng và khiến hệ tiêu hóa yếu đi, nguy cơ các vi khuẩn có hại lưu trú trong đường ruột sẽ tăng lên.
Chưa kể đến, lúc này con cũng gia tăng tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều hơn vì bắt đầu biết lẫy, bò, đi, cầm nắm đồ vật cho vào miệng…nên khả năng con mắc các bệnh như tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp… cao hơn rất nhiều. Do đó, bên cạnh việc duy trì cho con bú mẹ đến ít nhất 2 tuổi, cha mẹ hãy tập cho con một thói quen ăn uống thật lành mạnh:
Rau xanh và trái cây: Đây là nhóm thực phẩm rất giàu vitamin, protein và chất chống oxy hóa, không chỉ giúp cải thiện hoạt động của hệ miễn dịch mà còn có thể phòng chống những căn bệnh mãn tính như ung thư, bệnh tim ở tuổi trưởng thành.
Trong bữa ăn hàng ngày, cha mẹ nên cho con ăn nhiều rau củ quả và nhớ thay đổi thực đơn thường xuyên để khẩu phần ăn của con thêm phong phú.
Các loại rau xanh trẻ nên ăn là súp lơ xanh, cải chíp, cải xoăn, đậu Hà Lan…,hoa quả nhiều vitamin C như cam, quýt, chanh, bưởi, dứa…
Sữa chua: có khả năng hỗ trợ sức khỏe, tăng cường hệ tiêu hoá rất tốt cho con. Từ 6 tháng trở đi, nên cho con ăn sữa chua hàng ngày, mẹ có thể tham khảo chế độ ăn sau:
– Trẻ từ 6-10 tháng tuổi: 50g sữa chua/ngày
– Trẻ từ 1-2 tuổi: 80g sữa chua/ngày
-Trẻ trên 2 tuổi: 100g sữa chua /ngày
Thịt nạc: Ăn thịt nạc có thể giúp cải thiện ho và điều trị táo bón. Bên cạnh đó, thịt nạc chứa chất kẽm có thể ngăn chặn tế bào bạch cầu khỏi nhiễm trùng. Protein trong thịt có thể làm tăng độ bám dính xương, tăng độ dẻo dai cho xương.Trong các loại thịt, thịt gà, thịt bò giàu protein và tốt cho sự phát triển chiều cao của con.
Cá: Thực phẩm tươi hoặc đông lạnh có dầu cá, như cá hồi, cá thu và cá trích, chứa chất béo omega 3 giúp tăng cường hệ miễn dịch. Mẹ nên bổ sung cá vào thực đơn hàng tuần của con ít nhất 2 lần/1 tuần.
Uống nước: Hãy tập cho con thói quen uống nhiều nước mỗi ngày. Nước giúp đào thải các chất cặn bã khỏi cơ thể, vì vậy, việc đi tiểu không thường xuyên cũng làm suy yếu hệ miễn dịch. Tránh cho bé uống nước ngọt, nước có chưa cafein và cho bé uống nước trái cây hơi pha loãng, nước đun sôi để nguội.
Để con phát triển toàn diện và lớn lên thật khỏe mạnh, cha mẹ cần xây dựng cho con một chế độ dinh dưỡng khoa học. Bên cạnh đó, hãy dành thời gian bên con và để con tự do khám thế giới xung quanh, tập luyện thể dục, nghỉ ngơi hợp lý… nhé.
Theo Dân Trí