Bà Neale S.Godfrey, tác giả cuốn sách “ Tiền không mọc trên cây” đã có những lời khuyên tài chính cho trẻ em trong một buổi hội thảo tại TP.HCM.
Bà nguyên chủ tịch The First Women’s Bank, nhà sáng lập The First Children’s Bank, tổng giám đốc điều hành công ty Children’s Financial Network, Inc.
Mô hình 4 chiếc bình
Bà Neale S.Godfrey cho rằng trẻ lên ba tuổi bố mẹ có thể dạy trẻ cách quản lý tiền bạc và cho tiền tiêu vặt.
Bà Neale S.Godfrey, tác giả cuốn sách “ Tiền không mọc trên cây” |
Việc quản lý tiền bạc phải được thực hiện theo nguyên tắc “S.O.S”: Saving (tiết kiệm) hướng dẫn trẻ trích một phần tiền tiêu vặt để dành cho mục đích tiết kiệm ngắn hạn lẫn dài hạn; Offering (ủng hộ- biếu tặng) khuyên răn trẻ nên giành một phần tiền để quyên góp cho các tổ chức từ thiện hay kém may mắn hơn; Spending (chi tiêu) hỗ trợ trẻ lập ra những kế hoạch cho các khoản chi tiêu và chi tiêu trong sự giám sát của gia đình.
Đối việc cho trẻ tiền tiêu vặt, chuyên gia Mỹ cho rằng, muốn cho trẻ tiền tiêu vặt phụ huynh hãy giải thích cho trẻ hiểu được phương thức “làm thì mới được trả công”. Phụ huynh sẽ phân ra hai loại công việc giao cho trẻ. Một loại là việc mà con phải tự làm và không bao giờ được trả tiền như đánh răng, ăn uống, học giỏi…bởi đây là các hoạt động liên quan trực tiếp tới cá nhân, bắt buộc trẻ phải tự làm và chịu trách nhiệm với tư cách của một “công dân gia đình”
Loại việc bố mẹ sẽ trả tiền cho con như giao các cháu tưới cây, cho thú ăn, dọn dẹp phòng, thu báo chí cũ, lau bàn ghế….nhằm khuyến khích tinh thần lao động và trách nhiệm của chúng với đồng tiền. Số tiền mà cha mẹ cho nên căn cứ vào số tuổi, chẳng hạn trẻ 3 tuổi thì mỗi lần hoàn thành tốt công việc cho 3.000 đồng, với trẻ 5 tuổi sẽ là 5.000 đồng, 10 tuổi cho 10.000 đồng…
Về việc giúp đỡ con tiết kiệm tiền bà Neale S.Godfrey cho rằng, để giúp con tiết kiệm được tiền, bố mẹ chuẩn bị cho trẻ 4 chiếc bình để chia tiền ra, sau đó dạy cho con cách phân bổ tiền. Bình 1 dành cho các hoạt động từ thiện. Bình 2 là tiền cơ động (chi tiêu bất kì thứ gì trẻ muốn). Bình 3 dùng cho tiền tiết kiệm trung hạn; Bình 4 là tiền tiết kiệm dài hạn, trẻ dùng cho việc thực hiện các ước mơ sau này của mình như vào ĐH.
Việc phân chia tài chính trong 4 chiếc bình sẽ được bỏ vào từ các khoản thu của trẻ (tiền tiêu vặt hằng tuần, tiền được tặng, được thưởng, tiền từ công việc làm thêm…) với tỷ lệ phân chia như sau: Bình 1 chiếm 10% số tiền; 3 bình còn lại chiếm 30% số tiền.
“Tôi nói với các con rằng tôi yêu chúng, đơn giản là vì tôi yêu chúng, còn trách nhiệm quan trọng nhất của cha mẹ là cho con chỗ ăn, ở. Ngoài ra, điều trẻ cần nhất ở cha mẹ là thời gian chứ không phải việc đáp ứng mọi yêu cầu về tiền bạc” – bà Neale S.Godfrey nói.
Theo bà Neale S.Godfrey, hiện nay nhiều phụ nữ bận làm việc nên luôn muốn cho con em những thứ mà bạn bè chúng có, nhưng thực ra cha mẹ “Đừng vì bù đắp việc thiếu hụt thời gian mà cho con quà cáp, tiền bạc một cách vô điều kiện và không kiểm soát. Đây là điều rất xấu với con cái”
Dạy quản lý tiền bạc
Tác giả cuốn sách “ Tiền không mọc trên cây” cho rằng, khi con trẻ đến tuổi teen cũng cần phải biết về quản lý tài chính. Theo đó bố mẹ là người đầu tiên cần phải xác định các teen đã sẵn sàng tiếp cận với môn “kinh tế học cao cấp”, các teen cần phải biết đến việc lập ngân hàng, giao dịch ngân hàng và những khái niệm nâng cao như thị trường chứng khoán, danh mục đầu tư…
Tuy nhiên, trước đó từ 5- đến 6 tuổi, bố mẹ có thể mở quỹ học đại học cho con, và nếu việc này được thực hiện sớm bao nhiêu thì khả năng thực hiện thành công càng nhiều hơn. Chi phí dành dụm học đại học có thể do trẻ tự đóng góp vào bằng việc giành được học bổng, các khoản trợ cấp hay hỗ trợ tài chính, bố mẹ hãy ngồi lại cùng con để đánh giá ngân sách của con.
Thứ đến là việc lập ngân sách, hãy lấy 4 chiếc bình làm cơ sở, giúp trẻ mở rộng các khoản mục đó ra, và bố mẹ phải tính tới những khoản cần chi hay nhu cầu tiêu dùng trong vòng một năm, trong đó khoản tiền tiết kiệm dài hạn không bao giờ được đụng đến trừ khi có trường hợp khẩn cấp. Bố mẹ cũng cần quan tâm đến mỗi quan hệ của teen với bạn bè (trong khoảng thời gian này đã có sự vay mượn qua lại giữa chúng) hay sự so bì của trẻ (teen tự so sánh mình với đứa trẻ khác); tới 15, 16 tuổi có thể bắt đầu với một tài khoản chi phiếu và thẻ tín dụng và làm quen với thị trường chứng khoán.
Đặc biệt trong lứa tuổi này, bà Godfrey cho rằng, bố mẹ cần phải có một danh sách tất cả các nguồn tiền vào và các lối tiền ra, trong đó tiền vào bao gồm tiền tiêu vặt của trẻ, công việc vặt, việc làm trong hè và sau giờ học, tiền cho – tặng…Riêng khoản tiền ra như: tiền ăn, đi lại, dụng cụ học…Bố mẹ cần phải nghĩ tới những khoản chi tiêu cho trẻ, bao gồm các thứ như đi khám rắng, khám sức khỏe và những khoản chi như tiền quyên góp, đội cổ vũ hay đồng phục…
Khi con cái lớn, cha mẹ cũng có thể lập một bản hợp đồng thuê nhà giữa cha mẹ và con cái, để tạo ra quy tắc cho cả hai bên cùng đồng thuận để giảm thiếu những mâu thuẫn hay hiểu lầm về sau này. Đối với những đứa con về lại nhà, bản hợp đồng sẽ làm tắt đi mọi ảo tưởng rằng bạn là một nhà nghỉ với dịch vụ phòng miễn phí”- Neale S. Godfrey nói.
theo Lê Huyền – Vietnamnet