Vào những ngày Tết, trẻ được đi chơi nhiều hơn, chế độ sinh hoạt cũng bị đảo lộn nên nguy cơ nhiễm bệnh tăng cao. Để bảo vệ sức khỏe của bé, gia đình cần dạy con thói quen giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.
Những tư vấn dưới đây của bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê, Trưởng khoa nhi, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc sẽ giúp cha mẹ chăm sóc bé tốt hơn trong ngày Tết và dịp đầu năm.
Chà xát tay trong 20 giây với xà phòng
Ngày Tết, con bạn sẽ tiếp xúc với đồ ăn nhiều hơn thường nhật. Cha mẹ hãy tạo cho con thói quen rửa tay trước mỗi lần cầm nắm đồ ăn và sau khi đi vệ sinh. Bạn nên khéo léo nhắc nhở bé bằng các câu nói như: “Mẹ sẽ cho con ăn kẹo, nhưng trước khi ăn, con cần rửa tay sạch sẽ” và đừng quên khen ngợi bé sau mỗi lần con tự giác đi rửa tay.
Bạn hãy hướng dẫn con chà xát tay cẩn thận với xà phòng trong ít nhất 20 giây và lau khô tay sau khi rửa. Vì bé chưa định hình được thế nào là 20 giây nên bạn có thể dạy con bằng cách hát hết một bài hát ngắn (ví dụ như bài hát bảng chữ cái tiếng Anh ABC) hoặc đếm từ một đến 20.
Sử dụng khăn giấy mọi lúc mọi nơi
Nếu cùng bé đi ra ngoài, bạn hãy luôn mang theo khăn giấy và hướng dẫn con sử dụng khi cần thiết. Cha mẹ nên giải thích cho con rằng trong nước mũi có rất nhiều vi khuẩn bé li ti và con nên dùng khăn giấy, tránh để tay chạm vào những vi khuẩn đó. Bạn cũng cần lưu ý vứt ngay giấy đã qua sử dụng vào sọt rác, không được để nguồn vi khuẩn gây bệnh vương vãi trong phòng.
Dạy con xì mũi
Một trong những hành động khiến trẻ nhiễm vi khuẩn nhanh nhất là tay trẻ tiếp xúc với nước mũi dính trên đồ chơi và thức ăn. Nếu bé đã bắt đầu có khả năng bắt chước theo bố mẹ (18 – 24 tháng tuổi), bạn hãy bắt đầu dậy con cách xì mũi. Trong dịp Tết, có thêm nhiều người khen ngợi, cổ vũ, bé sẽ càng cố gắng tập luyện và sớm tìm ra cách làm đúng.
Hạn chế cho con dùng chung thìa, dĩa
Cha mẹ nên tránh để con bạn ăn chung kẹo mút, uống chung ống hút hay dùng chung bất cứ vật dụng gì được đưa lên miệng. Trong không khí đông đúc của ngày lễ, rất khó để thường trực kiểm tra, nhắc nhở con, vì thế, bạn hãy giải thích và hướng dẫn con ngay từ bây giờ để bảo vệ con khỏi nguồn bệnh.
Tiêm vắc xin phòng bệnh
Ngoài những vắc xin tiêm chủng bắt buộc, trẻ dưới 9 tuổi nên được tiêm phòng cảm cúm định kỳ mỗi năm một lần trước mùa lạnh để nâng cao hiệu quả kháng thể, do virus luôn biến đổi hằng năm. .
Cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ
Một số món ăn trong ngày Tết có thể không tốt cho sức khỏe của bé. Cha mẹ hãy đảm bảo rằng con bạn được cung cấp đầy đủ đạm, hoa quả, rau xanh và tránh để bé ăn nhiều đồ ngọt.
Bạn có thể cho con uống thêm vitamin tổng hợp nếu có sự chỉ định của bác sĩ nhi khoa. Nếu con có dấu hiệu ốm sốt, bố mẹ hãy cho con uống nhiều nước, sinh tố hoa quả, sữa, súp nóng và đi khám bác sĩ ngay nếu bé có dấu hiệu bất thường.
Giữ chế độ sinh hoạt hợp lý
Vào những ngày lễ tết bận rộn, nhiều gia đình thường lơ là và cho phép bé được thức khuya hơn bình thường. Bạn cần cố gắng tạo cho con bạn thói quen sinh hoạt điều độ, ngay cả trong kỳ nghỉ, tránh để bé bị xáo trộn và hoạt động quá sức.
Khám sức khỏe định kỳ
Đối với từng lứa tuổi nhất định, bé sẽ có nguy cơ mắc phải các rối loạn phát triển và bệnh tật khác nhau. Để đảm bảo sự an toàn nhất cho con, gia đình nên đưa bé đi khám sức khỏe định kỳ. Bạn hãy bắt đầu việc làm này ngay từ năm nay để chủ động theo dõi sức khỏe cho bé, không nên để đến khi con mắc bệnh mới đến khám bác sĩ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê, nguyên Phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM hiện là Trưởng khoa nhi, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc. Bà được đào tạo chuyên ngành nhi với hơn 30 năm kinh nghiệm nhi khoa tổng quát và chăm sóc đặc biệt. Bác sĩ Lê đã tốt nghiệp chuyên ngành nhi khoa của đại học Y khoa Odessa, USSR, bác sĩ nội trú khoa nhi tổng quát của bệnh viện Saint Danis, Paris, Pháp và bác sĩ chuyên khoa 2 nhi khoa của đại học Y dược TP HCM.
Theo Vnexpress