Trong giai đoạn 0-6 tuổi, trò chơi không đơn thuần chỉ để giải trí hoặc lấp đầy thời gian của trẻ mà việc vừa chơi vừa học giúp bé khám phá thế giới xung quanh, phát triển cơ thể, ngôn ngữ, trí tuệ, cảm xúc, kỹ năng hoạt động, ứng xử…
Rèn tính tự lập cho trẻ 5-6 tuổi / Rèn ‘cái tôi’ lành mạnh cho trẻ dưới 3 tuổi
Thạc sĩ Phạm Thị Thúy, tác giả của nhiều cuốn sách về giáo dục kỹ năng làm cha mẹ cho rằng, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ là người thầy đầu tiên và quan trọng nhất, là người được bé yêu và là bạn chơi chung tuyệt vời nhất. Vậy để làm bạn chơi cũng như người thầy tốt nhất của con, cha mẹ cần nắm rõ những cột mốc phát triển quan trọng của trẻ như sau:
– 0-6 tháng: Phát triển vượt bậc về thị giác và thính giác.
– 6-12 tháng: Phát triển vượt bậc về ngôn ngữ. Từ 6 tháng trẻ có thể phát ra nhiều âm thanh, ghi nhớ, bắt chước tốt…
– 1-3 tuổi: Phát triển vượt bậc về nhận thức. Khi được 18 tháng, trẻ ghi nhớ, tập trung, tò mò, có khả năng suy luận, biết liên hệ thông tin, học được kinh nghiệm để giải quyết tình huống.
– 3-6 tuổi: Phát triển vượt bậc về giao tiếp và cảm xúc. Nếu có môi trường giáo dục tốt, trẻ phát triển lòng tự tin, giỏi phân tích, quyết đoán, độc lập, biết cảm thông, chia sẻ.
Bộ não của trẻ rất kỳ diệu, ngay từ khi mới sinh đã có hàng chục tỷ tế bào thần kinh. Từ 0 đến 6 tuổi là giai đoạn quan trọng để cha mẹ hỗ trợ sự phát triển trí tuệ cho con. Đặc biệt năm giác quan gồm thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác và thị giác của trẻ sẽ tiếp nhận kích thích từ thế giới xung quanh và kích hoạt sự tương tác giữa các tế bào não để khơi dậy tiềm năng trí tuệ. Khi bé học được một điều mới, các tế bào não sẽ được kích hoạt tạo ra sự tương tác để lưu giữ thông tin.
Trong giai đoạn này, trẻ sẽ dần hòa nhập vào xã hội để học hỏi, khám phá thế giới xung quanh. Việc giáo dục cho trẻ tốt nhất là học qua trò chơi. Các trò chơi giữa cha mẹ và con sẽ giúp trẻ phát triển cơ thể, ngôn ngữ, trí tuệ, cảm xúc, kỹ năng hoạt động, ứng xử, quan hệ xã hội… Cùng chơi với con sẽ giúp xây dựng tình yêu thương, tin cậy, gắn bó trong quan hệ cha – mẹ – con. Gia đình cùng chơi với nhau sẽ giúp trẻ hạnh phúc và cha mẹ hạnh phúc
Về vấn đề này, thạc sĩ Thúy gợi ý với phụ huynh về một số trò chơi và cách chơi dành cho trẻ từ 0 đến 12 tháng tuổi qua từng giai đoạn như sau:
1. Thai nhi (0 tuổi)
“Thai giáo” (giáo dục thai nhi) là phương pháp dạy con tuyệt vời ngay khi con còn trong bụng mẹ. Giai đoạn 0 tuổi được tính từ ngày đầu tiên hoài thai cho đến ngày trẻ chào đời. Từ trong bụng mẹ thai nhi đã có thể tiếp nhận và có phản ứng đối với những tác động từ bên ngoài. Nghe nhạc, hát, đọc truyện cho con nghe, nói chuyện với con, đi bộ nhẹ nhàng… là những hoạt động để cha mẹ và thai nhi có thể tương tác với nhau trong giai đoạn 0 tuổi này.
Giai đoạn này, mẹ có thể cùng thai nhi chơi trò đạp bụng: Khi thai nhi được năm tháng, có hiện tượng đạp bụng mẹ (máy) lần đầu tiên. Lúc ấy thai phụ nên vỗ nhẹ hoặc xoa nhẹ vào vùng bụng bị đạp, rồi đợi thai nhi đạp lần tiếp theo, sau đó mẹ lại vỗ nhẹ mấy cái rồi thôi. Một lát sau, thai nhi sẽ đạp tiếp, thai phụ thay đổi vị trí vỗ để dẫn dắt con vận động, thai nhi sẽ đạp ở vị trí mới vỗ.
Sau hai tháng chơi đùa, để tạo phản xạ cho bé, thai phụ có thể tăng thêm một số nội dung như gõ nhẹ, xoa nhẹ, ấn nhẹ, lắc nhẹ… Trong khi thực hiện các động tác chơi đùa trên, thai phụ nên nói chuyện với con, ví dụ: “Mẹ đang chơi cùng con đó”, “Con ngoan, mẹ con mình cùng chơi nhé”, “Ba mẹ yêu con nhiều lắm”…
2. Giai đoạn từ sơ sinh đến 3 tháng đầu
Lúc này trẻ đã có những phản xạ tự nhiên (bẩm sinh). Biết nhìn những vật ở khoảng cách 20-25 cm. Bé thích được “hóng hớt”, “trò chuyện” theo ánh mắt, lời nói của cha mẹ.
Các dạng trò chơi thích hợp:
– Chơi với bàn tay và các ngón tay của trẻ, ví dụ cù nhột, kiến bò.
– Nắn, bóp, tập duỗi tay chân cho trẻ.
– Vuốt ve, massage cơ thể trẻ.
– Trò chơi cho trẻ làm máy bay.
– Trò chơi vẫy khăn, ruy băng.
– Cho trẻ làm quen với sách.
– Cho trẻ nghe nhạc.
– Hát ru cho trẻ ngủ, nói chuyện, cười, gọi tên… khi trẻ thức.
– Có thể dùng những đồ chơi thích hợp như những khối vuông, tròn làm bằng chất liệu mềm.
3. Giai đoạn từ 3 đến 6 tháng
Trẻ sẽ thức nhiều hơn vào ban ngày. Bé bắt đầu điều khiển được bàn tay của mình và ngày càng trở nên linh hoạt hơn, biết tập trung cao độ và thích tham gia các trò chơi. Vì thế cha mẹ nên treo đồ chơi ở khoảng cách thích hợp (trong tầm tay của trẻ) để có thể bé với tay lấy.
Các dạng trò chơi thích hợp:
– Trò chơi nắm tay nhịp nhịp.
– Giúp trẻ tập lẫy, lật người, trườn, bò.
– Xốc nách trẻ, làm điệu bộ nhún nhảy, đạp chân (chú ý không dồn trọng lượng lên chân của trẻ).
– Trò chơi đạp xe.
– Trò chơi “soi gương”.
– Trò chơi “ú òa”.
– Đọc sách cho trẻ nghe.
– Đồ chơi thích hợp: lục lạc, xúc xắc, những khối hình vuông, tròn bằng chất liệu mềm. Trẻ sẽ khám phá bằng tay và miệng.
4. Từ 6 đến 12 tháng
Lúc này trẻ có thể lẫy, lật người một cách dễ dàng. Khoảng từ tháng thứ 7, trẻ biết bò, ngồi và tập đi. Kỹ năng cầm nắm của trẻ ngày một tốt hơn.
Các dạng trò chơi thích hợp:
– Vỗ tay.
– Chơi với cát.
– Vượt chướng ngại vật.
– Chơi với quả bóng lăn.
– Tìm kiếm đồ vật.
– Trò chơi soi gương.
– Thường xuyên đọc sách cho trẻ.
– Đọc các bài đồng dao như “nu na nu nống”, “kéo cưa lừa xẻ”…
– Cùng trẻ tập đi.
Có thể sử dụng những đồ chơi thích hợp như:
– Những cuốn sách nhiều màu sắc tươi sáng, có hình các con vật ngộ nghĩnh, các loại hoa, trái cây…
– Những quả bóng nhựa nhẹ, dùng để ném và đá.
Theo vnexpress