Lipit hay còn gọi là chất béo, là một nhóm chất hữu cơ không đồng nhất, không tan trong nước và tan trong các dung môi chất béo như Alcohol, Ether, Benzene, Chloroform và Acetone. Đây là một trong những dưỡng chất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ. Lipit đóng vai trò quan trọng trong cấu tạo tế bào, phát triển hệ thần kinh (não bộ) trong…
Vài trò của chất béo với sự phát triển của trẻ
– Chất béo bao gồm dầu, mỡ thuộc nhóm chất dinh dưỡng chính. Trước hết đó là nguồn sinh năng lượng quan trọng: 1g chất béo khi đốt cháy trong cơ thể cho 9 kcal (1g chất đạm hay chất bột chỉ cho 4 Kcal). Dầu mỡ là dung môi tốt để hòa tan các vitamin A, D, E, K là những vitamin có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Có thể muốn hấp thu và sử dụng tốt các vitamin này phải cần có dầu mỡ.
– Chất béo tham gia vào cấu trúc của tất cả các mô, là thành phần thiết yếu của tế bào, của các màng cơ thể và có vai trò điều hòa sinh học cao.
– Chất béo là nguồn cung cấp axit béo cần thiết (axít linoleic và axít linolenic… ) mà cơ thể không tự tổng hợp được. Thiếu axít béo thì các tế bào khó sinh sôi, phát triển nhất là các tổ chức gan, tim, não…, trẻ nhỏ thường chậm lớn, chậm phát triển về mặt trí tuệ, kém thông minh, dễ phát sinh các bệnh ngoài da, mắt… Các axit béo thiết yếu không no đa nối đôi, chuỗi dài là tiền chất của một loạt các chất có hoạt tính sinh học cao như: prostaglandin, leukotrienes, thromboxanes… Các eicosanoids này là các chất điều hòa rất mạnh 1 số tế bào và chức năng như: kết dính tiểu cầu, co mạch, đóng ống động mạch Botalli…
– Giai đoạn những năm đầu đời, trẻ tăng trưởng và phát triển rất nhanh cả về thể chất lẫn tinh thần. Để tăng trưởng và phát triển nhanh trẻ cần rất nhiều năng lượng. Trong các chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng thì chất béo có đậm độ nhiệt cao nhất.
– Chất béo không những là nguồn nhiệt lượng thiết yếu cho sự tăng trưởng và phát triển rất nhanh của hệ thần kinh mà còn tham gia vào cấu trúc của hệ thần kinh. Các chất béo là thành phần quan trọng của màng tế bào thần kinh, đặc biệt myelin chiếm tới 50% trọng lượng não trong cấu trúc chứa tới 70 – 85% chất béo. Các rối loạn chuyển hóa chất béo ảnh hưởng đến chức phận nhiều cơ quan kể cả hệ thần kinh.
– Chất béo kéo dài thời gian thức ăn ở dạ dày và đi qua đường tiêu hóa, tạo cảm giác no sau khi ăn.
– Chất béo có hương vị thơm ngon tạo cảm giác ngon miệng cho trẻ.
Cung cấp chất béo hợp lý cho trẻ
– Chất béo là một trong 4 nhóm chất dinh dưỡng chính trong khẩu phần ăn của trẻ. Nhu cầu năng lượng do chất béo cung cấp rất cần thiết đối với từng độ tuổi của trẻ để trẻ được phát triển một cách hoàn thiện, khỏe mạnh và bình thường. Tùy giai đoạn phát triển của trẻ, cần cung cấp năng lượng từ chất béo cho trẻ một cách phù hợp: trẻ sơ sinh cần 50 % năng lượng từ chất béo, trẻ dưới 1 tuổi cần 40%…
– Não bộ và các mô thần kinh đặc biệt giàu chất béo. Với trẻ dưới 1 tuổi, năng lượng do chất béo cung cấp phải trên 40% với trẻ 1-2 tuổi, năng lượng do chất béo cung cấp khoảng 30-35% tổng năng lượng khẩu phần. Trẻ nhỏ cần được bú mẹ vì trong sữa mẹ hàm lượng chất béo cao lại giàu DHA và EPA là những axit béo đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bộ não trẻ.
– Khi bé đến lứa tuổi ăn dặm, các mẹ có thể bổ sung chất béo trong khẩu phần ăn của trẻ. Cần sử dụng phối hợp cân đối giữa chất béo động vật và chất béo thực vật trong bữa ăn cho trẻ.
– Trong khẩu phần ăn của trẻ, ngoài chất béo có trong sữa, các mẹ cần bổ sung chất béo thêm trong bữa ăn hàng ngày một cách đầy đủ (chất béo động vật và chất béo thực vật).
Lưu ý
Khi bổ cung cấp chất béo cho trẻ
– Sử dụng chất béo đầy đủ, đa dạng và hợp lý sẽ giúp trẻ phát triển tốt. Bổ sung thiếu hoặc thừa chất béo cũng gây nguy hiểm (nếu cung cấp thừa chất béo sẽ gây nên tình trạng béo phì và các nguy cơ bệnh tật có thể xảy ra ở trẻ).
– Trong những năm đầu đời, trẻ phát triển và tăng trưởng nhanh cả về thể chất và tinh thần. Nên các thiếu hụt về chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày ảnh hưởng đến chức phận nhiều cơ quan, đặc biệt là cơ quan thần kinh. Do vậy, với trẻ em, khẩu phần ăn cần đảm bảo đủ chất béo.
– Dầu thực vật hay mỡ động vật đều do chất béo cấu thành nhưng trong dầu thực vật có nhiều axit béo chưa no có ích cho cơ thể bé. Nhưng dầu thực vật lại rất ít hoặc hầu như không có axit arachidonic – một axit béo không no cần thiết và có nhiều vai trò quan trọng. Loại axit này lại được tìm thấy nhiều trong mỡ động vật. Cách tốt nhất nếu bạn muốn bổ sung chất béo trong khẩu phần ăn của bé là một bữa nấu dầu, bữa kia chuyển đổi sang nấu mỡ.
– Các axit béo mà trẻ dễ dàng hấp thu nhất có nhiều trong các loại dầu thực vật như: dầu nành, dầu mè, dầu hướng dương, dầu bắp, dầu ô liu…
Khi chế biến chất béo cho trẻ
– Khi chế biến thức ăn dặm cho trẻ (cháo, súp…) sau khi thức ăn chín, nhấc xuống và thêm 1 hoặc 2 muỗng cà phê dầu ăn (dầu mè, nành…) là tốt nhất.
– Không sử dụng dầu, mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần để nấu thức ăn cho trẻ.
– Không nên rán dầu, mỡ ở nhiệt độ quá cao. Vì khi đun lâu ở nhiệt độ cao các axit béo không no sẽ bị ôxy hóa làm mất tác dụng có ích với cơ thể của các axit này, đồng thời các liên kết kép trong cấu trúc của chúng nhanh chóng bị bẻ gãy tạo thành các sản phẩm trung gian như là peroxit, aldehyt… có hại đối với trẻ.
– Không mua cho trẻ các thức ăn rán, quay bán sẵn (quẩy, bánh rán, gà quay…) khi thấy chảo dầu, mỡ dùng cho việc chế biến không còn trong, đã được sử dụng nhiều lần và có màu đen cháy.
Theo Mangthai